Hướng dẫn học tiếng Anh cho người mất kiến thức cơ bản

Hướng dẫn học tiếng Anh dành cho những người mất nền tảng cơ bản

(ĐHVH HN) - Phương pháp học tiếng Anh cho người mất cơ bản nhận được sự quan tâm từ rất nhiều người. Thực tế, đối với những người mất căn bản, việc bắt đầu lại thực sự khó khăn. Có những người mất kiến thức cơ bản tiếng Anh cho rằng mình không thích tiếng Anh, muốn học nhưng không thể tiếp thu được kiến thức. Họ nghĩ mình không hề có khả năng ngoại ngữ hay không có nguồn cảm hứng khi học vì không được học những thầy cô thực sự giỏi. Vì những lý do đó, họ chán nản và bỏ tiếng Anh. Chỉ đến khi cảm thấy sự quan trọng của tiếng Anh có thể do đứng trước kỳ thi quan trọng, hay yêu cầu công việc, họ quay trở lại học tiếng Anh và việc nắm bắt được cũng như sử dụng được tiếng Anh lúc này là cả một vấn đề lớn. Trước thực tế này, bài viết đưa ra một số phương pháp giúp người mất kiến thức cơ bản tiếng Anh có thể nhanh chóng tiến bộ trên con đường chinh phục tri thức.
 
Trước hết bạn cần phải xác định rõ trình độ ngoại ngữ của mình đang ở đâu, như thế nào. Bạn đã quên gần hết những gì mình học trong nhà trường hay không biết tí gì về tiếng Anh vì chưa từng học bao giờ. Học tiếng Anh mất kiến thức cơ bản có nghĩa là bạn đang học lại từ đầu. Vậy hãy chọn đúng điểm bắt đầu và cách học phù hợp cho bản thân mình cũng như động lực để học bởi xây dựng lại một nền tảng vững chắc là bước đầu tiên để học lại tiếng Anh.
 
Sau khi xác định được rõ trình độ ngoại ngữ của mình thì hãy tìm động lực cho mình. Trả lời câu hỏi: Tại sao bạn muốn học tiếng Anh? Trước khi quay lại việc học tiếng Anh, hãy trả lời câu hỏi đó, liệu bạn bắt đầu học lại tiếng Anh vì bạn muốn học hay bởi vì ai đó khác muốn bạn học? Giống như bất cứ một quyết định nào trong đời mình, việc học lại tiếng Anh phải là việc bản thân bạn muốn làm. làm cho chính bản thân mình và nên xuất phát từ sự yêu thích của bạn.
 
Lập ra các mục tiêu. Nếu bạn biết tại sao mình muốn quay trở lại học tiếng Anh thì việc lập mục tiêu sẽ rất dễ dàng. Ví dụ, nếu bạn muốn tới thăm một đất nước nói tiếng Anh thì mục tiêu của bạn chính là học "survival English" - tiếng Anh dùng để giao tiếp, giúp bạn sống được trong môi trường nước ngoài. Nếu mục đích bạn học là để giao tiếp với người bản ngữ thì bạn nên học "communicative English" - tiếng Anh giao tiếp.
 
Để đạt được các mục tiêu đề ra, bạn hãy lập kế hoạch học tập. Việc này phụ thuộc vào thời gian. Bạn muốn thành thạo tiếng Anh trong bao lâu? Câu trả lời này sẽ khác nhau phụ thuộc vào hoàn cảnh mỗi người. Nếu bạn làm việc 60 giờ một tuần thì việc dành 40 giờ trong một tuần ấy để học tiếng Anh là không thể. Vậy bạn hãy bắt đầu bằng khoảng thời gian ngắn nhưng phải đều đặn. Việc sử dụng những công cụ hoặc các nguồn học tiếng Anh một cách hiệu quả cũng là một thách thức nhưng không phải là quá khó. Hãy tìm cho mình công cụ hay kênh học tiếng nào hiệu quả nhất cho mình. Sau khi bạn học được một thời gian, khoảng một vài tuần thì hãy điều chỉnh lịch học cho phù hợp và làm theo. Liệu bạn học hiệu quả nhất vào buổi tối hay trên xe buýt trên đường đi làm hoặc đến trường không? Bạn có thích học một mình ở nơi yên tĩnh hay học với bạn bè và trong không gian có chút nhạc nhẹ không?
Lập một cam kết. Việc học tiếng Anh đòi hỏi nhiều động lực. Không có ai kiểm tra việc học của bạn khi bạn không ở trên lớp. Nếu bạn đảm bảo mình sẵn sàng bắt tay vào việc học lại tiếng Anh thì hãy làm một bản cam kết với chính bản thân mình.
Hãy coi việc học tiếng Anh là niềm vui. Những thứ chúng ta làm tốt nhất trong cuộc sống chính là những thứ chúng ta thích làm. Nếu bạn không thấy vui khi học tiếng Anh thì bạn sẽ không học có hiệu quả. Bạn có thể tự lập ra một chương trình thưởng cho mình để khuyến khích, tạo động lực cho mình trong quá trình học.
 
Học đều cả bốn kỹ năng. Hầu hết các sinh viên đều muốn giao tiếp bằng tiếng Anh thành thạo. Nếu đây là một trong số những mục tiêu của bạn thì việc học đều cả bốn kỹ năng là điều cực kỳ quan trọng. Nghe - Nói - Đọc - Viết là các kỹ năng lớn chính bạn cần dùng để giao tiếp bằng bất cứ một ngôn ngữ nào. Chỉ thành thạo một trong bốn kỹ năng sẽ không giúp gì cho bạn. Sai lầm của rất nhiều người khi bắt đầu quay lại với tiếng Anh là họ không biết cách học kết hợp các quá trình học, thường thì luôn có sự tách rời, nghe với nói và đọc, viết. Cách học này đặc biệt không hiệu quả, vì cũng như tiếng Việt hay bất kỳ ngôn ngữ quốc tế nào, các kỹ năng ngôn ngữ được hình thành thông qua quá trình rèn luyện từ nghe, nói sau đó đến đọc và viết, giống như quá trình một đứa trẻ học ngôn ngữ mẹ đẻ, chúng học chậm, đầu tiên học nghe, sau đó học nói và cuối cùng mới là đọc và viết. Vậy phương pháp học tiếng Anh hiệu quả là không bao giờ tách riêng các quá trình, bởi luôn có một mối liên hệ, gắn kết đặc biệt giữa các kỹ năng. Bạn cần phải nghe trước rồi mới tập đọc và nói theo cho thành thạo rồi sau đó đọc bài và viết ra các ý chính cần thiết - đọc tốt rồi viết mới tốt. Người ta thường chia bốn kỹ năng giao tiếp này thành hai nhóm:
 
- Đầu vào gồm Nghe (thông qua tai) và Đọc (thông qua mắt)
- Đầu ra gồm Nói (thông qua miệng) và Viết (thông qua tay)
 
Đầu tiên bạn hãy hoàn thành tốt phần đầu vào sau đó là đầu ra. Trước hết, hãy học nghe, nghe câu hỏi người khác đặt cho bạn, rồi bạn mới học nói và trả lời câu hỏi đó. Bạn hãy đọc lá thư người khác viết cho bạn, sau đó đến lượt bạn viết lại. Đó là ví dụ minh họa cho sự giao tiếp.
Các kỹ năng đầu vào và đầu ra này không nhất thiết phải đi theo một trình tự nhất định. Bạn có thể nói trước hoặc viết trước vì trong quá trình giao tiếp, đối tượng thực hành ngôn ngữ cùng bạn sẽ sử dụng các kỹ năng còn lại. Đó chính là lý do giải thích cho việc vì sao bạn nên học đều cả bốn kỹ năng để giao tiếp hiệu quả. Một số sinh viên băn khoăn kỹ năng nào là quan trọng nhất. Vì tất cả kỹ năng này liên hệ chặt chẽ với nhau nên chúng đều quan trọng. Tuy nhiên, để giao tiếp, chúng ta sử dụng một số kỹ năng nhiều hơn các kỹ năng còn lại. Ví dụ, khoảng 40% thời gian chúng ta dành giao tiếp đơn giản chỉ là nghe. Chúng ta nói khoảng 35% thời gian. Xấp xỉ 16% thời lượng giao tiếp là đọc và 9% là viết. Những con số thống kê này là dành cho một người bình thường giao tiếp bằng tiếng Anh. Dựa vào công việc và tình huống mỗi người, các con số này có thể khác nhau.
 
Mỗi kỹ năng này lại có những kỹ năng nhỏ khác kèm theo mà bạn cần lưu ý. Ví dụ như phát âm là một loại nằm trong kỹ năng nói. Chính tả là kỹ năng giúp bạn đọc hiểu và viết tốt hơn. Ngữ pháp và từ vựng cũng là kỹ năng nhỏ. Nhưng nhỏ không có nghĩa là chúng không quan trọng. Những kỹ năng lớn như kỹ năng nghe là chung, còn kỹ năng nhỏ là cụ thể hơn. Từ việc học tốt các kỹ năng nhỏ này sẽ giúp bạn phát triển tốt các kỹ năng tổng quan. Để đạt được kết quả tốt nhất, hãy lập ra một kế hoạch lịch trình học có sự kết hợp việc học cả bốn kỹ năng lớn. Học kỹ năng này liên hệ với kỹ năng khác. Ví dụ, đọc một câu chuyện và sau đó kể lại câu chuyện đó với bạn mình hay xem một bộ phim và sau đó viết về nó.
 
1. Học nghe
Một trong số những nguồn tài liệu nghe phổ biến chính là những bài nghe trong sách hay giáo trình tiếng Anh nào đó. Để nghe tốt một bài khóa trong sách tiếng Anh, ta thường trải qua các bước sau. Trước khi nghe, hãy suy nghĩ về đề tài đó để giúp mình hình dung và phán đoán được những gì sắp nghe. Ví dụ nội dung nghe của bài liên quan đến chủ đề môi trường, vậy ta có thể đưa ra một số phán đoán như bài nghe có thể về chủ đề nhỏ hơn trong môi trường như các yếu tố trong môi trường, ô nhiễm môi trường trong đó có ô nhiễm nước, không khí, đất, tài nguyên… hay các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường hoặc những yếu tố ảnh hưởng đến môi trường, v.v. Sau đó, ta sẽ cố gắng nghe ý chính trước tiên để trả lời các câu hỏi tổng quát, nghe những từ chính (các từ mang nghĩa, có thể là danh từ, động từ, tính từ, trạng từ) rồi đoán, không nhất thiết phải nghe ra từng từ một, rồi ta nghe lại nhiều lần để biết được càng nhiều chi tiết càng tốt để có thể hoàn tất các câu hỏi liên quan đến nội dung trong bài. Tuyệt đối không xem trước nội dung bài khóa trước khi nghe vì nếu làm vậy, ta không thể phát triển được bất cứ một kỹ năng nghe nào như nghe để hiểu thông tin chung hoặc tìm thông tin chi tiết… Nội dung bài khóa chỉ được xem khi chúng ta đã trả lời hết câu hỏi, nghe đi nghe lại nhiều lần và muốn kiểm tra kỹ lại tại sao ta không thể nghe được từ này, vì nó mới hay vì ta phát âm sai từ đó không hiểu được từ được nói.
Nguyên tắc chung cho việc rèn kỹ năng nghe hiệu quả là nghe càng nhiều càng tốt. Tranh thủ mọi tài liệu và cơ hội nghe có thể ví dụ:
- Nghe đài: có thể chỉ cần nghe thôi, không nhất thiết lúc nào cũng phải viết lại những gì mình nghe. 
- Xem các chương trình truyền hình bằng tiếng Anh: các chương trình dành cho trẻ em cũng rất hữu ích cho những người học lại tiếng Anh. Bạn cũng có thể chọn các chương trình bạn yêu thích, tuy nhiên cần nhớ ở rất nhiều chương trình nói chuyện trên truyền hình, họ cũng dùng nhiều từ lóng. Bạn cũng có thể xem phim bằng tiếng Anh nhưng nên có kèm theo phụ đề bằng tiếng Anh hay nghe các bài hát tiếng Anh hay các mẩu chuyện hàng ngày do người Anh bản địa nói. Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng các tài liệu nghe trên Internet.
Tóm lại, nguyên tắc cơ bản nhất để học nghe tốt tiếng Anh là luyện tập, tạo cơ hội cho mình tiếp xúc với tiếng Anh càng nhiều càng tốt, và cố gắng thực hành đều đặn thường xuyên.
 
2. Học nói và phát âm
Để nói được thì phải phát âm được. Phát âm sai đồng nghĩa với việc bước sai những bước đầu tiên trên con đường nắm bắt ngôn ngữ, ngược lại phát âm đúng, nói đúng thì mới nghe tốt và truyền đạt ý tưởng của mình đến người nghe chính xác. Đối với những người mất kiến thức cơ bản tiếng Anh, thường là những người lâu ngày không học tiếng Anh hoặc những người đi làm, khi bắt đầu trở lại với môn ngoại ngữ này sẽ cảm thấy khó khăn vô cùng trong quá trình học lại phát âm, họ dễ nhầm lẫn các âm tiết với nhau, và từ đó cách đọc không phù hợp. Vì vậy, muốn quay lại học tiếng Anh, ta phải rèn phát âm một cách đúng đắn, bài bản, khoa học và có mục tiêu rõ ràng. Ta nên học phát âm thật chậm, sửa lỗi đơn giản trước rồi tăng mức độ phức tạp lên. Ta có thể nghe người bản xứ phát âm thật chuẩn, sau đó nhắc lại và chăm chỉ luyện tập nhiều lần, có kế hoạch rõ ràng sẽ nhanh chóng tiến bộ hoặc cố gắng nắm chắc hệ thống Phiên âm quốc tế có in đằng sau các cuốn từ điển và tập thói quen luôn luôn tra cứu phiên âm mỗi khi bắt gặp một từ mới để có thể phát âm đúng nhất. Ngoài ra, ta cũng có thể luyện tập phát âm và nói bằng cách sau:
- Tự nói với mình về mọi thứ bất cứ mọi nơi mà bạn cảm thấy yên tĩnh nhất. Nếu ban đầu không thể thực hiện được việc này thì hãy cố gắng đọc to cho đến khi bạn thấy thoải mái với việc nghe giọng nói của mình bằng tiếng Anh.
- Thu âm giọng nói của mình để sau một thời gian, khi nghe lại ta có thể tìm được lỗi phát âm hoặc phần nào phát âm còn yếu, chưa tốt hay những âm nào bạn khó nghe.
- Tận dụng thời gian luyện tập trên lớp với bạn cùng lớp theo cặp hoặc nhóm nhỏ và giáo viên của mình bởi đó là cơ hội để mình học hỏi và được sửa lỗi.
- Học và luyện tập thường xuyên trọng âm từ, trọng âm câu và các âm gió.
- Tìm một bạn học hay nhóm học phù hợp với mình, sắp xếp thời gian học nhóm thường xuyên để giúp nhau cùng tiến bộ.
- Tham gia câu lạc bộ tiếng Anh vào thời gian rảnh, tốt nhất là nên tham gia đều đặn.
- Khắc phục tính nhút nhát và sợ sai của mình, hãy mạnh dạn nói tiếng Anh bất cứ khi nào có thể.
 
3. Học đọc và từ vựng
Hãy học từ vựng thông minh. Có nhiều cách học từ vựng mà chúng ta có thể áp dụng trong quá trình học của mình như dùng thẻ học từ vựng (flashcard), viết từ vựng nhiều lần trên giấy, nhẩm đọc từ vựng mọi lúc mọi nơi có thể hay vừa nghe vừa nhẩm vừa viết ra… Tuy nhiên, nguyên tắc học từ vựng phổ biến là học trong cụm từ trong câu, cách từ được sử dụng trong văn cảnh cụ thể như thế nào, các thành ngữ thông dụng, tránh học từ chết. Ví dụ học từ "rid" thì nên học trong nhóm từ "get rid of" thì mới biết cách sử dụng nó trong câu và ngữ cảnh phù hợp. Để nhớ được từ vựng thì không có cách nào hiệu quả bằng cách sử dụng chúng. Một cách học thông minh là bạn hãy thêm những từ mới học vào khi tập nói hay khi tập viết bằng tiếng Anh, có thể viết về những thứ, những sự việc diễn ra xung quanh mình, gắn với bản thân mình để mình dễ nhớ. Một mẹo nhỏ nữa là bạn hãy tạo cho mình một cuốn sổ nhỏ ghi chép từ vựng mới có thể được trình bày bằng nhiều màu sắc, sơ đồ hay theo chủ đề, hay theo thứ tự bảng chữ cái… và luôn mang nó bên mình để tranh thủ học khi rảnh rỗi hay đơn giản chỉ để ôn lại mỗi ngày hoặc để tra cứu khi cần. Hãy đặt cho mình mục tiêu mỗi ngày học vài từ tùy theo khả năng nhưng phải ôn tập thường xuyên theo định kỳ.
Để nâng cao quá trình đọc thì bạn có thể đọc bất cứ một tài liệu nào đó bằng tiếng Anh mỗi ngày như sách truyện trẻ em bởi sách truyện dành cho trẻ em thường chứa phần lớn vốn từ vựng tiếng Anh cơ bản mà bạn cần học, cũng có thể là những mẩu chuyện ngắn song ngữ, bài khóa trong giáo trình tiếng Anh nào đó, báo, tạp chí, tài liệu trên Internet hay đơn giản chỉ là quảng cáo, biển hiệu, nhãn sản phẩm… tuy nhiên hãy đọc những chủ đề hay những tài liệu nào mà bạn thích thú bởi bạn học sẽ hiệu quả hơn khi bạn thích. Hãy đọc những bài đọc ở mức độ vừa phải, phù hợp với trình độ của mình. Bạn muốn học từ mới nhưng bạn cũng muốn hiểu mình đang đọc cái gì, nếu có quá nhiều từ mới trong bài khiến bạn phải tra nghĩa từng từ thì việc đọc sẽ quá khó đối với bạn. Sau khi đọc xong, tự mình ôn lại nội dung vừa đọc thông qua việc trả lời các câu hỏi "Who, What, Where, Why, When, How" về nội dung bài đọc. Bạn có thể thực hiện được việc này ở hầu hết các thể loại sách, truyện, báo chí. Bài đọc này là kể về ai, những ai? Chuyện gì đã xảy ra và nó xảy ra ở đâu, khi nào? Tại sao lại như thế? Bạn có thể nói hoặc viết câu trả lời cho các câu hỏi ấy. Thường xuyên dùng từ điển Anh-Anh bởi nếu quá dựa vào từ điển dịch Anh-Việt thì không tốt bởi nó khiến bạn đi theo lối mòn dịch từng từ từ Anh sang Việt và ngược lại, sau này khiến bạn vừa mất thời gian vừa khiến câu mình viết hoặc ý mình dịch lủng củng. Từ điển Anh-Anh giúp bạn học từ mới nhanh hơn và giúp sử dụng từ mới đúng ngữ cảnh, sau này nếu bạn dịch Việt-Anh dễ dàng hơn vì dịch sang Anh đòi hỏi sử dụng nội dung của câu để chuyển tiếng Anh chứ không dịch từng từ từng chữ rồi ghép chúng lại với nhau.
 
4. Học viết và hệ thống ngữ pháp
Cách thức học ngữ pháp truyền thống trước đây là học theo một quyển, một chương, học hết toàn bộ ngữ pháp sau đó mới học từ vựng, luyện nghe, luyện nói. Tuy nhiên cách làm này không hiệu quả, gây chán nản cho người học mà lại dễ quên vì chỉ lý thuyết thiếu thực hành. Ta có thể học ngữ pháp hệ thống thông qua từng bài học theo quá trình: từ vựng, mẫu câu, luyện hội thoại, nghe nói, đọc viết, thông qua đó nắm chắc ngữ pháp được sử dụng từ trong mẫu câu, hội thoại và các bài nghe, đọc. 
Lưu ý:
- Đừng quá bị ám ảnh bởi ngữ pháp. Hãy nhớ rằng ngữ pháp chỉ là một trong những công cụ bạn học để phục vụ mục đích giao tiếp. Hãy luyện tập với một vài bài tập, sau đó viết bài hoặc nói và cố gắng sử dụng những cấu trúc mới vừa học.
- Đừng phí thời gian vào những bài tập ngữ pháp mà bạn đã hiểu rồi chỉ bởi chúng dễ hơn so với trình độ của bạn. Tập trung vào phần ngữ pháp mà bạn thấy khó. Nếu không chắc vấn đề của mình nằm ở đâu, hãy viết một vài đoạn văn hoặc bài văn ngắn và nhờ thầy cô khoanh tròn những lỗi mình hay gặp phải. Sau đó bạn xem lại vấn đề đó và luyện tập.
- Dạy ngữ pháp cho một ai đó. Hãy tìm một người học chậm hơn hoặc có trình độ tiếng Anh thấp hơn mình và dạy họ. Việc dạy học sẽ khiến bạn nhớ các quy tắc ngữ pháp lâu và hiểu chúng hơn. Cố gắng chuẩn bị một vài bài tập cho người đó và cùng xem lại với họ.
Để học viết bạn có thể:
- Bạn có thể luyện tập viết chỉ với một câu nếu bạn muốn. Hãy bắt đầu bằng những câu đơn về chủ đề xung quanh mình. Bạn có thể luyện viết mỗi ngày bằng cách đặt ra một loạt các câu hỏi cho mình và viết trả lời các câu hỏi này. Ví dụ: How do you feel? What is the weather like? Viết câu trả lời mỗi ngày hoặc nếu bạn đã chán câu hỏi đó thì nghĩ ra những câu hỏi khác vào những ngày tiếp theo và cố gắng trả lời các câu hỏi đó, từ ngắn rồi dài hơn, dài hơn nữa.
- Viết nhật ký. Đừng lúc nào cũng quá quan tâm đến ngữ pháp. Viết tự do đôi khi hữu ích cho bạn, nó có thể cho bạn thấy viết cũng rất thú vị.
- Viết email bằng tiếng Anh. Bạn có thể liên lạc với bạn bè, thầy cô giáo dạy tiếng Anh của mình bằng tiếng Anh.
- Viết lại những chuyện xảy ra quanh mình bằng tiếng Anh. Đây là một hoạt động bạn có thể làm thường xuyên mỗi ngày. Những hoạt động càng đều đặn, thường xuyên, càng tốt cho bạn.
- Kiểm tra những lỗi chính tả. Hãy kiểm tra lỗi chính tả trong các bài viết của mình thường xuyên. Kể cả những người nói tiếng Anh bản địa cũng luôn phải xem lại lỗi chính tả.
Tóm lại, để bắt đầu lại với môn ngoại ngữ mà mình đã quên phần lớn hay mất kiến thức cơ bản đòi hỏi nhiều sự nỗ lực, cố gắng của bản thân. Cách tốt nhất để học hiệu quả là tận dụng mọi cơ hội để tiếp xúc và luyện tập tiếng Anh nhiều nhất và đều đặn nhất có thể theo những phương pháp phù hợp với mình nhất.
 
 
Tin mới hơn
Cách phát âm tiếng Anh giọng Anh - Mỹ
Làm thế nào để phát âm giống giọng người bản xứ chắc hẳn là nỗi lo lắng của rất nhiều bạn. Hôm nay, Pasal sẽ chia sẻ cho bạn một số nguyên tắc phát âm thông dụng của người Mỹ nhé!
5 bí mật để cải thiện khả năng nghe tiếng Anh
Kỹ năng nghe tiếng Anh là một trong những kỹ năng đầu tiên và rất quan trọng đối với bất kỳ người học tiếng Anh nào. Trong quy trình học tiếng Anh giao tiếp chuẩn Nghe - Nói - Đọc - Viết, việc luyện tập nghe thường xuyên được coi như một quá trình nạp ngôn ngữ, giúp bạn dễ dàng phát âm chính xác như người bản ngữ và hình thành tư duy, suy nghĩ bằng tiếng Anh. Trong Effortless English, NGHE cũng là 1 trong 7 quy tắc quan trọng nhất, là nền tảng quan trọng trong việc học tiếng Anh.
6 cách học tiếng Anh giao tiếp hiệu quả
Sau 5-10 năm học tiếng Anh trên trường lớp, bạn cảm thấy tự tin với vốn tiếng Anh của mình. Ngày qua ngày, bạn tích luỹ được vô số từ vựng tiếng Anh hữu ích. Các cấu trúc ngữ pháp tiếng anh rối rắm và phức tạp cũng chẳng thể làm khó được bạn. Bạn tự hào với thành tích tiếng Anh "dày cộp" của mình với những điểm 9, điểm 10 trên học bạ hay thủ khoa môn tiếng Anh của trường...

Đừng bỏ lỡ cơ hội thay đổi tiếng Anh của bạn!

Bắt đầu với Effortless English Online